Đối tác và dự án

Thái Lan và Việt Nam: Dự án nấm cộng sinh rễ phục hồi và tái trồng rừng

Thời gian thực hiện:

07/2017 - 07/2020 (Thái Lan), 03/2019 -12/2022 (Việt Nam)

Đối tác:

Cô Khuẩn Viên (The Mushroom Initiative)

Bối cảnh

Thái Lan là một quốc gia nằm ở bán đảo Trung Nam. Theo số liệu của FAO, 50 năm trước hơn 60% diện tích lãnh thổ Thái Lan được bao phủ bởi rừng, nhưng đến năm 2016 chỉ còn lại 32%. Theo Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp Thái Lan, khoảng 3,2 triệu héc-ta đất của quốc gia này được sử dụng cho các đồn điền cao su, khoảng 1 triệu héc-ta đất dùng để trồng cọ dầu với tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 5% trong vòng 10 năm vừa qua. Các khu vực trồng cọ dầu và các nhà máy khai thác trước đây chủ yếu phân bố ở các khu vực phía nam, hiện nay đã dần mở rộng sang các khu vực miền bắc, miền trung và đông bắc Thái Lan. Theo ước tính của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), diện tích đất than bùn nhiệt đới của Thái Lan dao động từ 64.000 đến 75.000 héc-ta nhưng hiện nay cũng đang bị cạn kiệt liên tục do khai thác sử dụng cho các hoạt động nông nghiệp như đồn điền cao su, cọ dầu, trang trại lúa v.v. Nhìn chung, khoảng 41,5% diện tích đất của Thái Lan đang được sử dụng cho các trang trại nông nghiệp.

Nhiệm vụ cấp bách hiện tại là nâng cao tốc độ phát triển của cây cối và nhanh chóng triển khai kế hoạch phục hồi rừng để giải quyết những thách thức nêu trên. Dự án này sử dụng phương pháp đào tạo người dân địa phương trồng nấm rễ dưới các loài cây bản địa để thúc đẩy phục hồi rừng địa phương, giúp phá vỡ một số quan niệm sai lầm như giống cây bản địa phát triển chậm. Dự án cũng sẽ hỗ trợ nông dân trong việc phục hồi rừng dựa vào cộng đồng tại các khu vực bị phá rừng và khu vực xây dựng các đồn điền ở miền nam Thái Lan.

Việt Nam cũng là một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt với những thách thức như suy thoái rừng và mất đa dạng sinh học. Nằm trên cao nguyên miền Trung Việt Nam, Lâm Đồng từ lâu đã được đánh giá là một tỉnh có đa dạng sinh học cao của Việt Nam. Thành phố Đà Lạt – một trong những điểm thu hút khách du lịch chính của tỉnh cũng đang không ngừng bị suy thoái liên tục lượng lớn rừng địa phương do sự phát triển kinh tế nhanh chóng, bao gồm các hoạt động như chăn nuôi, làm vườn cây cảnh, nhà kính trồng rau v.v. Vì vậy, dự án hỗ trợ hoạt động tái trồng rừng dựa trên cộng đồng, sử dụng kiến thức khoa học được hỗ trợ từ các chuyên gia về chim, các nhà nấm học v.v., hợp tác với cộng đồng địa phương kết hợp xây dựng một hệ sinh thái rừng hoàn chỉnh và tạo ra nguồn thu kinh tế cho người dân địa phương.

Nguyên lý chính để phục hồi rừng ở Thái Lan và Việt Nam là dựa trên mối quan hệ cộng sinh giữa các loài nấm rễ và cây bản địa. Nấm rễ cộng sinh là chỉ mối quan hệ cộng sinh giữa nấm (các chất hữu cơ có trong đất và thực vật) và rễ cây, cơ chế này chịu trách nhiệm chính cho việc chuyển giao chất dinh dưỡng. Mối liên hệ cộng sinh cao cấp giữa thực vật và nấm này vô cùng quan trọng để duy trì hệ sinh thái rừng. Các nghiên cứu về sinh thái rừng đã chỉ ra rằng tất cả các loại nấm rễ đều có lợi cho thực vật vì chúng khai thác hiệu quả nguồn dinh dưỡng và ánh sáng cho cây. Những cây có nấm cộng sinh sẽ phát triển nhanh hơn những cây không có.

Đặc điểm dự án

  • Dự án tập trung vào việc xác định loại nấm rễ thích hợp cho các loài cây bản địa; Tăng tốc độ phát triển của các loài cây bản địa bằng cách trồng nấm rễ để đạt được mục tiêu phục hồi rừng;
  • Xây dựng 10 thí điểm tại khu vực miền Nam Thái Lan, đào tạo nâng cao năng lực sử dụng nấm rễ của nông dân, công nhân vườn ươm v.v. ở các khu thí điểm nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của cây bản địa, phục hồi rừng để cải tạo vùng đất bị suy thoái;
  • Xây dựng 02 thí điểm tại Việt Nam để thị phạm công tác dùng nấm rễ phục hồi rừng thông nguyên sinh; Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án còn hỗ trợ cộng đồng rừng địa phương phát triển các hoạt động du lịch sinh thái như ngắm chim, hái nấm v.v., đào tạo người dân địa phương làm hướng dẫn viên du lịch, vừa giúp họ có thêm thu nhập kinh tế vừa thúc đẩy cộng đồng dân cư địa phương tích cực tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng;
  • Phổ biến việc không sử dụng nhựa và hóa chất, áp dụng các phương pháp trồng trọt không đốt ở khu vực thực hiện dự án để giúp giảm ô nhiễm môi trường;
  • Cùng với hành động của cộng đồng, dự án tập trung vào việc kết nối các tổ chức, bao gồm cộng đồng địa phương, viện nghiên cứu của các trường đại học, các cơ quan chính quyền địa phương như Bộ Lâm nghiệp Hoàng gia Thái Lan, các cơ quan chính quyền địa phương tại Việt Nam v.v. để xây dựng mối quan hệ đối tác vững chắc, cùng nhau xây dựng một mô hình tái trồng rừng bền vững cho các loài cây bản địa và nấm rễ.

Kết quả dự án

  • Phát triển mô hình trồng rừng và tái trồng rừng thành công dựa trên đặc điểm tự nhiên của khu vực Đông Nam Á bằng cách sử dụng nấm rễ ngoại sinh để trồng các loài cây bản địa, với tỷ lệ thành công cao tới 80%;
  • Dự trữ carbon ở các địa điểm thực hiện dự án đều tăng. Ở tỉnh Phayao Thái Lan tăng 8,65 tC/ha, cao hơn khoảng 1,5 lần so với tỷ lệ lưu trữ carbon tiêu chuẩn do Chương trình giảm phát thải tự nguyện của Thái Lan (T-VER) đưa ra;
  • Ở Thái Lan, dự án đã phục hồi được khoảng 60 héc-ta đất rừng bị phá huỷ, tái trồng 32.491 cây con trên diện tích đất rừng này, trong đó có hơn 50 loài cây bản địa;
  • Ở Việt Nam, phát hiện một lượng lớn nấm thông trong rừng thông, trong đó có 87 mẫu nấm gan bò thuộc các giống khác nhau. Sau khi kiểm tra và phân tích đã xác định được 26 loại nấm ngoại cộng sinh có thể sử dụng được;
  • Tại Thái Lan và Việt Nam, dự án quan tâm đến việc xây dựng năng lực cho các nhóm liên quan như nông dân, công nhân đồn điền, cán bộ cơ sở v.v., giúp họ trang bị các kỹ năng nhận dạng và kỹ thuật trồng nấm ngoại cộng sinh. Đồng thời thông qua dự án, hỗ trợ xây dựng một mạng lưới liên kết với các cơ quan nghiên cứu khoa học để góp phần thúc đẩy bền vững kết quả của dự án.
Scroll to Top