Đối tác và dự án

Việt Nam: Dự án Xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn

Thời gian thực hiện:

6/2021 đến 12/2025

Đối tác:

Hội Nông dân Việt Nam (Vietnam Farmers’ Union)

Bối cảnh

Rác thải nông nghiệp và rác thải thực phẩm là nguồn chính thải ra carbon đen (từ hoạt động đốt cháy chất thải nông nghiệp) và khí thải metan. Tuy nhiên nếu được xử lý đúng cách, những chất thải này có thể được chuyển hoá thành các nguồn tài nguyên có giá trị như phân hữu cơ hoặc protein côn trùng. Dự án thông qua hỗ trợ thực tiễn quản lý chất thải của Việt Nam để đưa ra các kỹ thuật xử lý rác thải nông nghiệp và rác thải thực phẩm. Dự án triển khai tập huấn 04 kỹ thuật chính cho các hội viên nông dân, các hộ sản xuất nhỏ kỹ thuật sử dụng ấu trùng ruồi lính đen và giun Eisenia foetida (thường được gọi là trùn quế đỏ) để xử lý phân và rác thải sinh hoạt thành protein động vật, kỹ thuật lên men để xử lý rác thải sinh hoạt thành thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật ủ phân hữu cơ và kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày để chuyển đổi chất hữu cơ thành chất cải tạo đất.

Đặc điểm dự án

  • Việc áp dụng các kỹ thuật này có thể ngăn chặn rác thải hữu cơ phân huỷ dẫn đến phát thải khí metan;
  • Ngoài ra, các kỹ thuật này còn giúp cải thiện sinh kế của hộ nông dân. Tại tỉnh Gia Lai, số bò tham gia thử nghiệm sử dụng thức ăn lên men tăng cân nhiều hơn so với bò sử dụng thức ăn có sẵn trên thị trường. Tại tỉnh Lâm Đồng, nông dân tham gia dự án đã thành công thay thế 30% lượng thức ăn chăn nuôi thương mại và tiết kiệm được 5 triệu đồng/ tháng.

Kết quả dự án

  • Giúp nông dân nâng cao sức khỏe đất đai và năng lực quản lý cây trồng thông qua việc thúc đẩy các hoạt động nông nghiệp bền vững. Với 04 kỹ thuật chính nêu trên, dự án đã thiết lập được 1.428 mô hình đối chứng và tổng số mô hình thực nghiệm đạt 6.949. Các mô hình thực nghiệm này rất quan trọng để mở rộng các hoạt động nông nghiệp bền vững, giúp nông dân cải thiện sức khỏe của đất, quản lý hiệu quả dư lượng thực vật và giảm sự phụ thuộc vào hóa chất đầu vào.
  • Giảm đáng kể chi phí phân bón và nâng cao hiệu quả sản xuất cây trồng thông qua kỹ thuật xử lý gốc rạ. Tại tỉnh Thanh Hóa, các “trường học trên ruộng” đã đào tạo 330 nông dân nòng cốt, dạy họ sử dụng vi sinh vật để đẩy nhanh quá trình phân hủy gốc rạ. Phương pháp này không chỉ tăng tốc độ phân hủy mà còn giảm 25-30% chi phí phân bón, đem lại lợi ích cho 165 mô hình thực nghiệm mới, mang lại một giải pháp hiệu quả vừa giảm thiểu chi phí vừa thân thiện với môi trường cho công tác quản lý cây trồng.
  • Thúc đẩy việc phổ biến và ứng dụng canh tác nông nghiệp bền vững trên phạm vi rộng hơn thông qua chia sẻ kiến thức và trao đổi học tập. Trong quá trình thực hiện, dự án đã tổ chức cho 1.674 hộ nông dân chủ chốt và cán bộ tỉnh có cơ hội học tập chia sẻ lẫn nhau, thúc đẩy giao lưu trao đổi kiến thức về nông nghiệp bền vững. Thông qua triển khai thực tiễn tại các mô hình thực nghiệm, dự án đã đẩy nhanh việc phổ biến các kỹ thuật này, khuyến khích nông dân thực hiện và phát triển nông nghiệp bền vững trong chính cộng đồng của họ.
  • Cải thiện đáng kể sinh kế của nông dân và giảm chi phí sản xuất thông qua phổ biến canh tác nông nghiệp bền vững. Tính đến tháng 3 năm 2024, có tổng 19.323 hộ nông dân đã áp dụng các kỹ thuật quản lý phụ phẩm cây trồng bền vững, 8.768 hộ nông dân bắt đầu sử dụng ruồi lính đen hoặc trùn quế đỏ để xử lý phân gia súc gia cầm thành thức ăn chăn nuôi hoặc phân trùn quế. Việc áp dụng rộng rãi các kỹ thuật này đã cải thiện sinh kế của người nông dân, tăng thu nhập và giảm chi phí nuôi trồng, đồng thời giải quyết được các vấn đề môi trường liên quan đến quản lý chất thải hữu cơ.
Scroll to Top