Bối cảnh
Đốt sinh khối nông nghiệp là đốt tàn dư thực vật trên đồng ruộng sau khi thu hoạch cây trồng, đốt nương rẫy, dọn thực bì v.v. Theo nghiên cứu năm 2018 của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hiệp quốc (FAO), với 32% diện tích đất đai được sử dụng cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, Indonesia là một trong những quốc gia nông nghiệp lớn trên thế giới với đa dạng các loại hình như đồn điền lớn, trang trại nhà nước hoặc tư nhân, hộ sản xuất nhỏ v.v. Nhưng cho dù là đốt các phế phẩm nông nghiệp hay xử lý thực bì thì những hoạt động đốt sinh khối nông nghiệp này đều trở thành nguồn phát thải khí nhà kính chính của Indonesia. Điều này dẫn đến những thách thức như hệ sinh thái bị phá hủy, cân bằng đất bị phá vỡ, chất dinh dưỡng trong đất liên tục biến mất, nguy cơ hỏa hoạn tăng cao và sức khỏe con người không ngừng bị ảnh hưởng do ô nhiễm không khí. Ngoài ra, Indonesia còn sở hữu một nửa diện tích đất than bùn nhiệt đới của thế giới, đóng vai trò như một “bể chứa carbon” quan trọng. Đất than bùn lưu trữ hiệu quả lượng carbon dioxide (CO2) được chuyển hoá từ chất hữu cơ dưới lòng đất. Khi đốt làm cho đất than bùn khô hoặc cháy, than bùn sẽ bị phân hủy và giải phóng lượng carbon trong các bể chứa này vào khí quyển, làm trầm trọng thêm ảnh hưởng và tác động của biến đổi khí hậu.
Chính vì thế, từ năm 2020 Tổ chức ECF đã hỗ trợ các đối tác địa phương của Indonesia thực hiện dự án thăm dò theo nhiều cách khác nhau ở nhiều khu vực và đạt được nhiều kết quả đáng kinh ngạc.