Đối tác và dự án

Trung Quốc: Dự án trồng lúa thân thiện với môi trường

Thời gian thực hiện:

11/2021 đến 5/2025

Đối tác:

Quỹ công ích Chính Vinh (Zhenro)

Bối cảnh

Trên thực tế, biến đổi khí hậu và sản xuất nông nghiệp có mối quan hệ vô cùng chặt chẽ. Ngành nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt và chăn nuôi, vừa là một trong những tác nhân chính gây phát thải khí nhà kính, vừa là ngành nghề dễ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, lượng khí thải metan từ hoạt động trồng lúa nước chiếm tới 10% lượng khí thải metan thải ra từ các hoạt động của con người, lượng nước sử dụng để trồng lúa cũng chiếm đến 40% tổng lượng nước tưới tiêu toàn thế giới. Tuy nhiên, lúa gạo lại cung cấp tới 1/5 lượng calo chính cho toàn cầu. Do đó, các thảm họa như hạn hán và khan hiếm nước ngọt do biến đổi khí hậu gây ra không chỉ ảnh hưởng đến sản lượng lúa mà còn đặt ra những thách thức nghiêm trọng ảnh hưởng tới sinh kế và cuộc sống của người dân.

Trung Quốc tuy là một trong những nước sản xuất lúa gạo lớn trên thế giới nhưng trên thực tế các hộ tiểu nông vẫn chiếm vai trò chủ đạo. Dựa trên nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm và đảm bảo an ninh lương thực, dự án đang nỗ lực tìm hiểu để giải quyết các vấn đề quan trọng tại Trung Quốc như: làm thế nào để giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động sản xuất lúa gạo, giảm ô nhiễm hóa học từ sản xuất nông nghiệp, làm thế nào để đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp do ảnh hưởng của đô thị hóa, làm thế nào để sản xuất các phương pháp trồng trọt phát thải các-bon thấp phù hợp với điều kiện sản xuất và các đặc điểm khác nhau của từng khu vực, v.v.

Đặc điểm dự án

  • Hỗ trợ các nhóm nghiên cứu khoa học liên kết của các đối tác, các tổ chức xã hội và hợp tác xã nông dân v.v.; áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường được nghiên cứu phát triển kết hợp với các tổ chức địa phương; thực hiện một loạt các hoạt động như trồng mô hình thử nghiệm, đào tạo kỹ thuật, đúc rút kinh nghiệm và tổng kết công tác tuyên truyền v.v. ở các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Hồ Nam, Hắc Long Giang và Quảng Đông v.v.;
  • Mỗi dự án thực hiện ở các địa phương khác nhau sẽ có những đặc điểm riêng để đảm bảo cho kinh nghiệm, hiệu quả đạt được của dự án có tính tham khảo cao hơn. Dự án thực hiện ở tỉnh Tứ Xuyên do Hợp tác xã đóng vai trò chủ đạo, áp dụng phương pháp canh tác bảo vệ môi trường, vừa sản xuất lúa gạo thân thiện với môi trường, đồng thời cũng góp phần nâng cao chất lượng thổ nhưỡng; Dự án ở tỉnh Vân Nam đã thực hiện ở nhiều khu vực, từ thủ phủ Côn Minh đến châu tự trị Tây Song Bản Nạp, đồng thời tiến hành giảm thiểu lượng phân đạm sử dụng tại khu vực hồ Nhĩ Hải và hồ Phủ Tiên góp phần bảo vệ nguồn nước nơi đây; Tại khu vực hồ Động Đình tỉnh Hồ Nam, dự án đã phát triển các dụng cụ trồng lúa nhỏ để giảm bớt khó khăn do vấn đề thiếu lao động nông nghiệp; Ở khu vực Ngũ Thường tỉnh Hắc Long Giang, dự án đã cùng với các Hợp tác xã địa phương kết hợp kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường và mô hình canh tác kết hợp lúa – vịt truyền thống tại đây, dự án đã đạt được hiệu quả toàn diện như giảm khí thải metan, tăng sản lượng và tối ưu hóa chất lượng v.v.;
  • Xuyên suốt toàn bộ quá trình của dự án, chúng tôi đã tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và chuyên môn cho các bên liên quan như các tổ chức xã hội, hợp tác xã, trang trại, hội viên nông dân v.v., đồng thời cùng nhau thảo luận các giải pháp tổng hợp dựa trên tình hình thực tế của từng địa phương;
  • Tích cực đánh giá, rút kinh nghiệm triển khai mô hình thí điểm, lần lượt đưa ra các tổng kết như “Thực hiện canh tác lúa thân thiện với môi trường quy mô lớn”, “Hướng dẫn kỹ thuật lúa thân thiện với môi trường”, điều này giúp đặt nền tảng kiến thức cho việc mở rộng thành quả dự án ra nhiều khu vực hơn.

Kết quả dự án

  • Thúc đẩy chuyển đổi thành quả nghiên cứu khoa học thành năng lực sản xuất thực tiễn để đáp ứng nhu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu của hộ nông dân vừa và nhỏ;
  • Khai thác giá trị cốt lõi của mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống để đóng góp vào sự phát triển hệ sinh thái carbon thấp xanh. Kết hợp các thành tựu khoa học và công nghệ tân tiến với tri thức nông nghiệp truyền thống Trung Quốc để tìm kiếm các ví dụ thực tiễn trong ngành nông nghiệp các-bon thấp;
  • Coi trọng sự cân bằng giữa phát triển xanh và sinh kế phúc lợi. Các chủ thể sản xuất khác nhau như hộ sản xuất, nông trại gia đình, trang trại quy mô lớn v.v. cần có các giải pháp khác nhau. Dự án đã xây dựng mô hình thí điểm phân loại và tiến hành giao lưu trao đổi giữa các mô hình để giải quyết vấn đề này, nhằm phát huy hiệu quả giá trị của mô hình mẫu;
  • Kết hợp chặt chẽ việc tìm kiếm mô hình mẫu với công tác đúc rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả đóng góp của phạm vi dự án.
Scroll to Top